Vừa qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã triển khai Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2025 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sáng tạo.
Hơn cả một chiến dịch ngắn hạn, Tháng hành động đã tạo được làn sóng lan tỏa rộng rãi văn hóa an toàn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy trình, quy định và xây dựng môi trường làm việc an toàn – hiệu quả – nhân văn.
Chỉ đạo quyết liệt từ các cấp
Ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNSPC đã ban hành hàng loạt văn bản triển khai hướng dẫn cụ thể các đơn vị triển khai Tháng hành động ATVSLĐ, kế hoạch thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu công tác an toàn năm 2025, kế hoạch y tế, quản lý sức khỏe, khám bệnh định kỳ và vệ sinh lao động.
Song song đó là các chương trình kiểm tra, đánh giá tại hiện trường, kiểm điểm các vụ tai nạn trước đó để rút kinh nghiệm toàn diện. Đây là nền tảng quan trọng giúp mỗi CBCNV thấm nhuần khẩu hiệu năm nay “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc.”
Đồng hành mạnh mẽ của tổ chức Công đoàn
Công đoàn EVNSPC đóng vai trò then chốt trong việc chăm lo và nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, đặc biệt trong Tháng hành động. Những con số biết nói như hỗ trợ 80 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 415 triệu đồng; Quyên góp hỗ trợ 01 trường hợp CNVCLĐ qua đời với tổng số tiền vận động là 400 triệu đồng; Huy động 23 đơn vị quyên góp giúp đỡ các trường hợp bị tai nạn lao động, thu được hơn 1,3 tỷ đồng; Tổ chức 90 cuộc thăm hỏi trực tiếp người lao động nhân Tháng Công nhân.
Công đoàn và chuyên môn đồng hành tại hiện trường để tổ chức các buổi đối thoại, sinh hoạt an toàn đầu giờ, tạo môi trường gần gũi và chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Những con số ấn tượng là kết quả từ sự đồng lòng
Kết quả thực hiện Tháng hành động ATVSLĐ năm 2025 cho thấy sự vào cuộc tích cực của toàn bộ hệ thống EVNSPC như đã tổ chức 166 lớp huấn luyện ATVSLĐ với 10.549 người được đào tạo, trong đó Nhóm 3 chiếm tỷ lệ cao nhất (7.362 người); 1.588 cuộc tự kiểm tra tại các đơn vị, phát hiện 65 nguy cơ, rủi ro và bổ sung 18 nội quy, quy trình làm việc an toàn; 768 cuộc thanh kiểm tra về ATVSLĐ tại 135 cơ sở. Đưa 500 tin bài, phóng sự về ATVSLĐ; phát hành hơn 38.000 tờ rơi, áp phích tuyên truyền; Khám sức khỏe định kỳ cho 19.638 người lao động, quan trắc môi trường tại 329 cơ sở.
Số liệu trên không chỉ phản ánh quy mô chiến dịch mà còn là minh chứng cho sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của đội ngũ lao động ngành Điện.

Hiện trường là trọng điểm – Nhận diện mối nguy là ưu tiên
Tại các tổ/đội sản xuất, EVNSPC yêu cầu phải thực hiện quy trình nhận diện mối nguy – đánh giá rủi ro trước khi thực hiện công việc, cụ thể phải khảo sát hiện trường, lập biên bản đầy đủ trước ngày công tác; Người chỉ huy trực tiếp phải tổ chức nhận diện nguy cơ cùng toàn bộ công nhân ngay tại hiện trường; Lãnh đạo đơn vị cùng cán bộ an toàn tham gia sinh hoạt đầu giờ, quán triệt kỹ các biện pháp phòng ngừa.
Những điểm công tác trên lưới điện, công trình cao thế luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Việc thực hiện đầy đủ quy trình không chỉ là mệnh lệnh hành chính mà còn là lời cam kết của mỗi cá nhân với sự an toàn của chính mình và đồng đội.
Đầu tư thiết thực – Giải pháp bền vững
Để nâng cao chất lượng ATVSLĐ, năm 2025 EVNSPC đã dành 186,7 tỷ đồng cho các hoạt động an toàn. Các nội dung đầu tư gồm: Trang bị đầy đủ bảo hộ cá nhân, dụng cụ thi công chuyên dụng. Kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như thang nâng, cần trục, dây an toàn... đảm bảo đúng thời hạn. Cải thiện điều kiện môi trường làm việc: đo đạc, phân tích môi trường lao động và đưa ra giải pháp khắc phục.
Thực hiện lưu trữ đầy đủ hồ sơ thiết bị, kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng hệ thống điện. Đặc biệt, EVNSPC khuyến khích các đơn vị sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm thiểu thao tác nguy hiểm, ứng dụng công nghệ số trong giám sát hình ảnh và quản lý rủi ro.

Tuyên truyền sâu rộng – Đưa an toàn vào văn hóa lao động
Không khí Tháng hành động lan tỏa từ trụ sở Tổng công ty đến văn phòng các Điện lực, đội sản xuất như: Treo băng rôn, khẩu hiệu cổ động với thông điệp “An toàn là bạn, tai nạn là thù”. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ, các buổi tọa đàm chuyên đề.
Nhiều đơn vị xây dựng video mô phỏng các tình huống nguy hiểm và hướng dẫn xử lý thực tế. Thực hiện các bản tin nội bộ, tranh cổ động tại nơi làm việc. Hình thức tuyên truyền đa dạng, gần gũi giúp người lao động tiếp cận kiến thức an toàn một cách sinh động, dễ nhớ – dễ thực hiện.
Tháng hành động năm 2025 đã phát huy hiệu quả rõ rệt ý thức chấp hành quy định an toàn tăng mạnh. Quan hệ lao động hài hòa hơn thông qua hoạt động chăm lo. Quản lý kỹ thuật và giám sát an toàn chặt chẽ, đồng bộ. Phong trào thi đua ATVSLĐ phát triển đều tại các đơn vị. Đây không phải đơn thuần là một sự kiện phong trào mà là dịp để nhìn lại, củng cố hệ thống quản lý, nâng cao nhận thức và hành vi an toàn trong từng hành động nhỏ nhất.
EVNSPC xác định: An toàn lao động là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của Công đoàn và sự cam kết của từng người lao động, chắc chắn mục tiêu “Không tai nạn - Không thương tích - Không vi phạm” sẽ đi sâu vào tâm trí người lao động.